Chú Cuội là ai? Đây là câu hỏi nhiều bé vẫn chưa biết. Cứ sắp tới Tết Trung thu là hình ảnh chú Cuội, chị Hằng và Thỏ Ngọc lại ngập tràn trong tâm trí trẻ em. Cha mẹ có thể kể lại cho con sự tích về các nhân vật này để thế giới tuổi thơ của con thêm màu sắc nhé!
Dưới đây mình sẽ giải đáp cho các bạn nhỏ Chú Cuội là ai và ý nghĩa của các nhân vật trong ngày lễ trung thu. Ai chưa biết Chú Cuội là ai có thể theo dõi bài viết này nhé.
Chú Cuội là ai? Sự tích chú Cuội ngồi gốc cây đa
Chú Cuội là ai? Chúng ta cần phải tìm hiểu về sự tích chúa cuội ngồi gốc cây đa mới biết được Chú Cuội là ai. Truyện kể từ rất xưa, có một người tiều phu tên gọi là Cuội. Một hôm, Cuội vào rừng đốn củi gần một con suối nhỏ thì giật mình thon thót khi gặp một cái hang cọp.
Phát hiện thấy trong hang chỉ có bốn con cọp con đang vờn nhau, Cuội liền xông tới dung rìu bổ mỗi con một nhát. Cả bốn con cọp ngã lăn ra đất chết không kịp ngáp.
Vừa lúc đó, cọp mẹ trở về hang. Thấy các con mình nằm chết trên mặt đất, cọp mẹ gầm rú vang cả núi rừng. Cuội hoảng sợ quẳng rìu trèo tót lên cây cao.
Nhìn từ trên xuống, Cuội thấy cọp mẹ đau đớn, lồng lộn bên xác chết của những đứa con mình. Sau đó, cọp mẹ lầm lũi tiến lại một gốc cây gần chỗ cuội đang ẩn náu, ngoặm một ít lá trở về nhai và mớm cho con.
Thật thần kỳ khi chỉ vài phút sau, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng ngạc nhiên. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.
Đào được gốc cây quý, Cuội hăm hở trên đường trở về thì gặp một ông lão ăn mày nằm chết trên cỏ. Thấy vậy, Cuội bèn đặt gánh củi xuống, bứt mấy lá từ cây mới đào được nhai và mớm cho ông lão.
Cuội vừa mớm lá cây chưa được bao lâu, ông lão ăn mày đã mở mắt ngồi dậy và hỏi chuyện Cuội về gốc cây lạ kia. Khi nghe xong Cuội kể lại đầu đuôi câu chuyện, ông lão thốt lên sửng sốt:
– Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn. Nếu làm vậy, cây sẽ bay lên trời đó!
Nói xong, ông lão chống gậy đi còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông. Nhớ lời ông lão dặn, Cuội ngày nào cũng tưới cây quý bằng nước lấy từ giếng trong.
Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai sắp cận kề cái chết là Cuội lại tự nguyện mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn rằng Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.
Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Kể từ đó, con chó luôn quấn quít theo Cuội như một người bạn.
Một lần khác, một lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội để nài nỉ cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho.
Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.
Qua bao lâu sống hòa thuận, yên ổn thì bỗng nhiên một hôm khi Cuội vắng nhà, bọn giặc đã đi qua. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng quyết tâm dung trò hiểm độc.
Giặc giết vợ Cuội, cố ý moi ruột người đàn bà này vứt xuống sông, rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ. Cuội mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu, vì người vợ đã không có ruột thì làm sao mà sống được.
Thấy chủ khóc lóc thảm thiết, con chó được Cuội cứu sống hồi nào lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Dù chưa từng làm việc này bao giờ nhưng trước tình cảnh éo le, Cuội cũng liều mượn ruột chó thay ruột người xem sao.
Quả nhiên, người vợ của Cuội sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa.Tuy nhiên, cũng từ đó tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội nhiều khi rất bực mình.
Một buổi chiều, trong khi Cuội còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ Cuội ra vườn sau, không nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào gốc cây quý mà tiểu tiện. Không ngờ chị ta vừa tiểu xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lừng lững bay lên trời.
Vừa lúc đó, Cuội gánh củi kiếm được về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người.
Trong lúc cấp bách, Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.
Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa. Như vậy bạn đã biết được Chú Cuội là ai chưa?
Sự tích chị Hằng Nga trên cung trăng
Ngày xửa ngày xưa, trên trời xuất hiện mười ông mặt trời, cùng chiếu xuống mặt đất nóng đến bốc khói, biển hồ khô cạn, người dân gần như không thể sống nổi. Chuyện này đã làm kinh động đến một anh hùng tên là Hậu Nghệ. Anh đã trèo lên đỉnh núi Côn Lôn, dùng thần lực giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời. Hậu Nghệ đã lập nên thần công cái thế, nhận được sự tôn kính và yêu mến của mọi người, rất nhiều chí sĩ mộ danh đã tìm đến tầm sư học đạo, trong đó có Bồng Mông là một kẻ tâm thuật bất chính.
Không lâu sau, Hậu Nghệ lấy một người vợ xinh đẹp, tốt bụng, tên là Hằng Nga, mọi người đều ngưỡng mộ đôi vợ chồng trai tài gái sắc này.
Một hôm, Hậu Nghệ đến núi Côn Lôn thăm bạn, trên đường tình cờ gặp được Vương mẫu nương nương đi ngang qua, bèn xin Vương mẫu thuốc trường sinh bất tử. Nghe nói, uống thuốc này vào, sẽ lập tức được bay lên trời thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không nỡ rời xa vợ hiền, đành tạm thời đưa thuốc bất tử cho Hằng Nga cất giữ. Hằng Nga cất thuốc vào hộp đựng gương lược của mình, không ngờ đã bị một học trò tên là Bồng Mông nhìn thấy
Ba ngày sau, Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông với tâm địa xấu xa đã giả vờ lâm bệnh, xin ở lại. Đợi Hậu Nghệ dẫn các học trò đi không lâu, Bồng Mông tay cầm bảo kiếm, đột nhập vào hậu viện, ép Hằng Nga phải đưa ra thuốc bất tử, trong lúc nguy cấp Hằng Nga đã vội vàng mở hộp gương lược, lấy thuốc bất tử ra và uống hết. Hằng Nga uống thuốc xong, thấy người bỗng nhẹ rời khỏi mặt đất, hướng về cửa sổ và bay lên trời. Nhưng do Hằng Nga còn nhớ chồng, nên chỉ bay đến mặt trăng là nơi gần với nhân gian nhất rồi trở thành tiên.
Tối hôm đó, khi Hậu Nghệ về đến nhà, các thị nữ vừa khóc vừa kể lại câu chuyện xảy ra lúc sáng. Trong lúc đau khổ, Hậu Nghệ đã ngửa cổ lên trời đêm gọi tên vợ hiền. Khi đó, anh kinh ngạc phát hiện ra, trăng hôm nay đặc biệt sáng ngời, mà còn có thêm một bóng người trông giống Hằng Nga. Hậu Nghệ vội sai người đến hậu hoa viên nơi Hằng Nga yêu thích, lập bàn hương án, đặt lên đó những món ăn và trái cây mà bình thường Hằng Nga thích ăn nhất, để tế Hằng Nga nơi cung trăng đang nhớ đến mình.
Sau khi mọi người nghe tin Hằng Nga lên cung trăng thành tiên nữ, đều đã lần lượt bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục trông trăng vào tết trung thu được truyền đi trong dân gian.
Sự tích Thỏ Ngọc ở cùng Hằng Nga
Tương truyền vào thời xa xưa, có một cặp thỏ tu luyện ngàn năm, đắc đạo thành tiên. Chúng có bốn chú thỏ con trắng tinh và đáng yêu. Một hôm, Ngọc Hoàng thượng đế triệu kiến thỏ chồng lên thiên cung. Khi đến Nam thiên môn, nhìn thấy Thái Bạch Kim Tinh dẫn theo thiên tướng áp giải Hằng Nga đi ngang. Thỏ tiên không biết đã xảy ra chuyện gì, liền hỏi một vị thần gác cửa.
Sau khi nghe xong hoàn cảnh của Hằng Nga, Thỏ tiên cảm thấy Hằng Nga chỉ vì giải cứu bách tính mà vô tình chịu tội, nên rất thương cảm.
Nghĩ đến Hằng Nga một mình bị nhốt ở cung trăng, cô đơn đau khổ, nếu có người ở với nàng thì thật tốt, chợt nghĩ đến bốn con của mình, Thỏ tiên đã lập tức bay trở về nhà.
Thỏ tiên đem câu chuyện Hằng Nga kể với vợ và nói muốn đưa một thỏ con đi làm bạn cùng Hằng Nga. Thỏ vợ tuy vô cùng thông cảm với Hằng Nga, nhưng lại không nỡ rời xa các con yêu! Các thỏ con cũng không muốn rời xa cha mẹ, thỏ nào cũng khóc.
Thỏ cha nói: “Nếu ta bị nhốt, các con có chịu ở với ta không? Hằng Nga vì giải cứu bách tính mà bị liên lụy, chẳng lẽ chúng ta lại không thương nàng? Các con, chúng ta không thể chỉ nghĩ đến bản thân!”
Các thỏ con rất hiểu lòng cha, nên đều đồng ý đi. Hai vợ chồng thỏ nước mắt lưng tròng, nhìn các con mỉm cười. Chúng quyết định để thỏ út đi. Thỏ út từ biệt cha mẹ và các chị, lên cung trăng ở cùng Hằng Nga. Trên đây là lời giải đáp chú Cuội là ai dành cho các bạn nhỏ.