Mũi Cà Mau mảnh đất cuối cùng cực Nam Tổ quốc với hệ thống rừng ngập mặn, rừng tràm xanh ngút ngàn. Nơi đây có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang dã nguyên sinh tuyệt đẹp vừa có đảo, vừa có rừng, vừa có biển nên đã sản sinh ra hệ sinh thái động vật, thực vật mặn, lợ, ngọt rất phong phú, đa dạng. Đây là nguồn ẩm thực dồi dào, phong phú. Vậy du lịch Cà Mau nên mua gì làm quà?
Những món ăn ngon của Cà Mau thì rất nhiều, song cũng như bao vùng đất khác, ngoài những món ẩm thực được dùng tại chỗ thì Cà Mau còn có những đặc sản được người dân chế biến phục vụ cho khách phương xa làm quà cho người thân, bạn bè và gia đình. Xin giới thiệu những đặc sản Cà Mau nổi tiếng của vùng đất này du khách nên mua về làm sau khi kết thúc chuyến du lịch Cà Mau.
Có thể bạn quan tâm:
- Du lịch Cà Mau mùa nào đẹp nhất? Thời điểm lý tưởng
- Khám phá công viên Văn hóa Mũi Cà Mau có gì hấp dẫn?
- Mốc tọa độ Mũi Cà Mau – Chinh phục cực Nam Tổ quốc
Mắm ba kía Rạch Gốc – Du lịch Cà Mau nên mua gì làm quà
Ba khía Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) đã trở thành sản vật nổi tiếng của vùng đất cực Nam Tổ quốc, bởi nó hội tụ đầy đủ tinh túy mà con nước và môi trường sống dưới những cánh rừng mắm, rừng đước bạt ngàn nơi đây mang lại.
Ba khía trông gần giống cua đồng với hai càng đỏ nâu, phần dưới của tám cái ngoe lấm tấm lông tơ mịn, mai màu nâu sẫm có ba vạch nên dân gian gọi là con ba khía. Ba khía sống ở vùng bãi bồi nước lợ, mặn, dưới những tán đước, mắm rậm rạp, có mặt nhiều ở các vùng nhưng nức tiếng xưa nay vẫn là ba khía ở Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Ba khía ở đây ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn ở những nơi khác.
Ba khía có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như nướng, luộc, rang me, rang muối, hấp bia, chiên giòn, xào rau răm, xào sa tế, chiên nước mắm… Nhưng đặc trưng nhất, ngon nhất phải kể đến ba khía muối, hay còn gọi là mắm ba khía. Đặc biệt nghề làm mắm ba khía ở Rạch Gốc đã có lịch sử gần 100 năm đã được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Mắm ba khía làm vừa đủ độ mặn, đúng quy cách sẽ giữ được cả năm không hư, ăn vẫn ngon. Khi ăn, bạn vớt ba khía ra, rửa sơ bằng nước ấm, tách mai, bẻ đôi thân ba khía, đập dập sơ hai càng, bỏ vào tô rồi cho tỏi, ớt, chanh, đường cát trắng vào trộn đều để cho thấm là ăn được. Thịt ba khía vừa ngọt vừa mặn, khi kết hợp với tỏi ớt đúng là ngon đúng điệu miền quê. Cái nước từ trong tinh cốt con ba khía muối đượm ra hòa lẫn vào gia vị lại càng đặc biệt, đem chấm rau sống kèm thịt luộc, cá luộc thì khó có nước chấm nào qua được. Người ta còn dùng khế chua, xoài non thái sợi để trộn cùng làm phong phú thêm mùi vị con ba khía.
Tôm khô – Du lịch Cà Mau nên mua gì làm quà
Tôm khô Cà Mau có vị ngọt, ngon, dai tự nhiên, có hương vị đặc trưng. Là món ăn không thể thiếu, là món quà quý người Cà Mau gởi tặng du khách gần xa mỗi khi đi du lịch Cà Mau về. Thương hiệu tôm khô Cà Mau nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, các huyện ven biển của tỉnh Cà Mau đâu đâu cũng có cơ sở chế biến tôm khô nhưng có lẽ nhiều nhất và nổi tiếng nhất là làng nghề tôm khô Rạch Gốc ở huyện Ngọc Hiển.
Tôm khô ở đây có hương vị rất riêng bởi chúng sinh trưởng trong môi trường nước lợ, cửa sông phù sa, màu mỡ nhiều thức ăn nên con tôm ngọt và chắc thịt. Tôm khô Rạch Gốc có màu đỏ hồng tự nhiên, thịt tôm khô và dẻo, có vị ngọt đậm đà. Mùi tôm khô rất thơm, đưa gần mũi ngửi thì ngửi được mùi thơm được sử dụng nguồn nguyên liệu là con tôm đất thiên nhiên. Những món ngon được làm từ tôm khô thì nhiều lắm, có thể kể một vài món phổ biến như: tôm khô củ kiệu, gỏi xoài tôm khô, bắp xào tôm khô, tôm khô kho quẹt,…Cái độ dai dai của con tôm hòa trong cái mằn mặn của muối biển chưa kịp tan ra thì cái vị ngọt tự nhiên của con tôm đã thấm vào đầu lưỡi lan xuống vòm họng, để rồi khi nhai hết con tôm, cái vị ngòn ngọt ấy vẫn còn vương vấn cổ họng, khiến người ta muốn bóc thêm con nữa ăn ngay.
Các loại cá khô, hải sản khô
Hơn trăm năm nay, đất mũi Cà Mau trở thành thủ phủ của vô số loại khô. Về với Cà Mau, du khách dễ dàng bắt gặp những hàng quán bán các loại khô hải sản của vùng đất Cà Mau.
Khô cá kèo, khô cá lóc, khô cá thòi lòi, khô cá khoai, mực khô, tôm tít khô…. cùng hàng chục loại khô khác đã làm nên nét quyến rũ của ẩm thực vùng đất cực Nam tổ quốc. Những sản phẩm này đã trở thành mặt hàng được nhiều du khách ưa chuộng, mua về làm quà cho người thân và bạn bè. Cách chế biến rất đơn giản, chỉ cần nướng hoặc chiên trên lửa nhỏ đảo đều tay, sao cho vừa chín tới là có thể ăn được. Cầu kỳ xíu thì thêm ít tương ớt, hay làm gỏi khô cá, xuề xoà bình dân thì cứ để y vậy, xé một miếng bỏ vào miệng, nhai chậm rãi để nghe cái mùi thơm, vị mặn ngọt hài hoà của gia vị toả ra khắp lưỡi.
Mắm cá lóc Thới Bình
Cà Mau tuy không phải là thủ phủ mắm như vùng Châu Đốc (An Giang), nhưng Cà Mau lại có nhiều loại mắm ngon nổi tiếng, mà trong đó phải kể đến mắm lóc Thới Bình, con mắm có tiếng từ lâu ở vùng Nam Bộ. Món ăn giàu chất đạm, mang hương vị đậm đà này đã trở thành một món quà độc đáo để du khách mua về làm quà biếu.
Mắm lóc huyện Thới Bình (Cà Mau) được trong và ngoài vùng biết đến vì nguyên liệu làm mắm là con cá lóc đồng có tiếng ở vùng rừng U Minh. Người làm nghề ở làng mắm Thới Bình luôn tuân thủ theo nguyên tắc thủ công truyền thống, cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng công đoạn nên giữ được hương vị mắm lóc đặc trưng của địa phương. Từ nguyên liệu cá tươi đến các phụ gia đều không sử dụng hóa chất. Năm 2015, mắm lóc nơi đây được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Có nhiều cách để thưởng thức mắm lóc như ăn sống, trộn gỏi đu đủ, chưng cách thủy, nấu lẩu mắm, bún mắm,… Riêng ở Thới Bình có một cách chế biến mắm lóc rất lạ và khá độc đáo là mắm lóc chiên. Mắm được chiên lên vàng thơm cùng thịt ba rọi luộc xắt lát, bày ra dĩa trang trí với chuối chát, cà phổi, khóm và các loại rau như: húng lủi, rau thơm,… Sau đó cho nước sốt làm từ hành lá, củ hành, gừng, tiêu, tỏi, đường, tương ớt phi lên với dầu rồi rưới đều lên mắm. Mắm lóc Thới Bình đem chiên, con mắm không bị vỡ ra, nước rút vào trong, thịt cá chắc nụi, đỏ au, bốc lên mùi thơm nức. Khi ăn dùng kèm với một ít thịt ba rọi luộc chín, rau thơm, chuối chát, khóm, khế chua .. thì ngon không thể tả.
Mắm tép
Những loại tôm nhỏ như tôm bạc, tôm đất, người dân Cà Mau gọi là tép, theo người dân là ngon hơn cả tôm sú, tôm càng. Từ tép có thể chế biến khá nhiều món, mà ngon nhất có thể là món mắm tép. Mắm tép là một trong những loại đặc sản và là món ăn gần như có mặt ở hầu khắp gia đình của người dân ở Cà Mau. Loại mắm này rất phổ biến, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, hầu như nhà nào cũng có 1 keo mắm tép thơm ngon và bắt mắt để đãi khách.
Mắm tép Cà Mau có cái độc đáo là rất bắt mắt vì có màu đỏ au, nhìn là thấy thích. Đưa lên mũi ngửi thì mùi thơm khá đặc biệt không giống bất kỳ loại mắm nào, vừa nồng nồng mùi của gừng, mùi cay của ớt. Đặc biệt là vị chua nhè nhẹ tạo thành một hương vị hết sức đặc trưng của mắm tép Cà Mau. Trước khi ăn, người ta còn trộn vào mắm một số gia vị nữa như gừng xắt lát, ớt đỏ. Thậm chí có người còn trộn cả đu đủ xắt nhỏ. Nhất thiết phải có các loại rau sống mà không thể thiếu chuối chát, khế chua.
Dưa Bồn Bồn – Du lịch Cà Mau nên mua gì làm quà
Bồn bồn là một loại rau sạch ở sông nước Cà Mau, lớn lên từ phù sa, chẳng hề có một chút hóa chất hóa học nào. Bồn bồn nhổ về, người ta lột bỏ bẹ già, lấy phần thân non rồi dùng sợi chỉ chẻ đôi cho vào một cái hũ và được đậy kỹ bằng lá chuối tươi. Sau đó, lấy nước cơm vo đã cho lên men chua đổ vào. Bằng cách làm này chỉ khoảng vài ba ngày là dưa bồn bồn có thể đem ra ăn được.
Vị ngọt và giòn rụm khiến món ăn này được xem là món ăn được yêu thích nhất của người dân Cà Mau, người phương xa ghé thăm nhất định phải mua bồn bồn muối về làm quà. Từ dưa bồn bồn, người ta có thể chế biến được nhiều món ăn ngon miệng khác như dưa bồn bồn xào tép, xào vọp, dưa bồn bồn chấm ba khía, thịt kho tàu hay cá rô kho tộ…
Chuối khô
Vùng đất Cà Mau vốn thích nghi để cho nhiều loại cây chuối phát triển. Vào mùa chính vụ, chuối chín nhiều, ăn không hết, bán cũng ít có người mua nên người trồng chuối Cà Mau nghĩ ra việc ép chuối phơi khô để ăn dần. Dần dần, chuối khô đã trở thành một đặc sản của vùng đất Cà Mau.
Chuối khô Cà Mau được sản xuất từ nguồn chuối xiêm nguyên liệu được trồng trong từng hộ gia đình nông dân, không có sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Trong quá trình sản xuất không sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản nên rất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm:
- Núi Cấm – Địa danh nổi tiếng thu hút khách tham quan
- Vịnh Hạ Long – Điểm du lịch lý tưởng dành cho mọi du khách
Bánh phồng tôm Năm Căn
Cùng với các sản phẩm khác được chế biến từ con tôm, từ lâu sản phẩm bánh phồng tôm tỉnh Cà Mau đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Trong đó, phải kể đến sản phẩm bánh phồng tôm của làng nghề truyền thống ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn. Bánh phồng tôm Năm Căn có đặc điểm là tỉ lệ tôm trong bánh khá cao, bánh dày, đậm vị tôm và sau khi chiên bánh sẽ giòn tan khi đưa vào miệng.
Nguyên liệu sản xuất bánh phồng tôm chủ yếu được làm bằng thịt tôm tươi, bột, trứng cùng một số gia vị khác. Trong đó quan trọng nhất là tôm phải tươi sống và không bị ươn, thối, không hóa chất, phẩm màu đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhờ độ thơm và ngọt đặc trưng của con tôm vùng đất Cà Mau và có tỷ lệ tôm nguyên liệu cao trong quá trình sản xuất nên bánh phồng tôm Năm Căn lúc nào cũng giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng vốn có được đông đảo khách hàng yêu thích.
Rượu trái giác
Có không ít đặc sản trứ danh, gia vị đặc biệt được sinh ra từ rừng U Minh bạt ngàn, trong đó phải kể đến trái giác. Trái giác hay còn được gọi là quả nho rừng, khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh. Càng lớn trái càng có màu xanh đậm đà và bóng bẩy. Trái chín chuyển sang màu đen thẫm, thịt trái màu tím như trái mồng tơi chín. Trái giác non có vị chua chát, nhưng càng lớn vị càng thay đổi, từ chua thanh đến chua ngọt.
Trái giác là tài nguyên của rừng, hương vị của trái giác cũng là của rừng. Để giữ trọn phẩm chất tuyệt vời này, người dân U Minh chỉ sử dụng thêm đường và rượu gạo để làm rượu trái giác. Khác với nấu ăn chọn trái giác già còn xanh thì ủ rượu phải chọn trái chín mọng thâm đen như quả mồng tơi. Rượu trái giác có nồng độ cồn thấp, hậu ngọt, mùi thơm, dễ uống, có thể làm món uống khai vị, kích thích tiêu hóa, giảm đau lưng, nhức mỏi rất tốt cho sức khỏe người cao tuổi, không những thế, rượu trái giác còn là một vị thuốc giúp giải độc rất hay. Có thể nói rượu trái giác là thứ rượu rừng nguyên chất nhất, ngon bổ nhất trong những loại rượu.
Mật ong rừng U Minh – Du lịch Cà Mau nên mua gì làm quà
Nhắc đến mật ong rừng U Minh thì chất lượng không gì có thể sánh được, mật được lấy từ những ổ ong tự nhiên trong rừng tràm bạt ngàn vào mùa hoa tràm nở nên có màu vàng tươi, mật có vị ngọt thanh không gắt, mùi thơm thoang thoảng của tràm không lẫn vào đâu được. Mật kẹo, sóng sánh, và nếu để lâu năm thì vẫn không đổi màu, không biến chất,thường được mọi người mua làm thuốc vì là mật tự nhiên với chất lượng hảo hạng. Tuy giá thành cao nhưng vì những lí do trên mật ong U Minh vẫn luôn được người tiêu dùng tin chọn.
Điểm thu hút du khách mua sắm nhiều phải kể đến chợ Phường 7 (TP. Cà Mau), với lợi thế đa dạng sản phẩm, hàng hóa phong phú, mang đặc trưng Cà Mau từ khắp các địa phương trong tỉnh: Tôm khô, cá khô các loại… Một địa danh mua sắm đặc sản hấp dẫn nữa là chợ Năm Căn (huyện Năm Căn). Sau chuyến hành trình về Đất Mũi, đa số du khách đều ghé Năm Căn mua bằng được đặc sản cua biển nổi tiếng nhất nước mang về làm quà. Ngoài ra còn có các điểm bán đặc sản Cà Mau tại các trạm dừng chân, khu du lịch của tỉnh như Trạm dừng chân Tư Tỵ ở huyện Ngọc Hiển, Khu du lịch Mũi Cà Mau, vườn quốc gia U Minh Hạ …
Trên đây là đáp án cho câu hỏi Du lịch Cà Mau nên mua gì làm quà. Trải nghiệm một chuyến đi đầy những điều mới mẻ và thú vị nhưng cũng đừng quên mua các món quà lưu niệm về tặng người thân, bạn bè của mình để chuyến đi thêm trọn vẹn nhé!