Tùy theo quan niệm của mỗi người mà Tết Trung Thu được gắn với những ý nghĩa khác nhau. Dưới đây là ý nghĩa của tết trung thu cho những bạn nào chưa biết.
Ý nghĩa của Tết trung thu
Theo phong tục Việt, vào ngày 15/8 âm lịch, người lớn trong gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ (gồm có nhiều bánh trái) để dâng lên tổ tiên. Hành động này thể hiện sự thành kính đối với những người thân đã khuất trong gia đình, đồng thời cũng là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần, trò chuyện và ăn uống bên nhau. Có lẽ vì thế, Tết Trung thu còn gọi là Tết Đoàn Viên.
Bên cạnh đó, Tết Trung thu cũng được gọi là Tết thiếu nhi. Đây là dịp để trẻ em trên mọi miền đất nước Việt cùng nhau nô đùa, xem múa lân, phá cỗ, rước đèn,… và nhất là diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ ăn mừng lễ hội trăng rằm với hình ảnh quen thuộc là chị Hằng Nga và chú Cuội.
Ngoài ra, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng và tiên đoán về mùa màng sắp tới cũng như vận mệnh quốc gia theo quan niệm của người xưa. Chẳng hạn, trăng tròn, sáng và có màu vàng thì năm đó ắt hẳn sẽ trúng mùa tằm tơ. Còn nếu trăng tròn, sáng và có màu xanh (hoặc lục) thì năm đó có thể sẽ xảy ra thiên tai. Hoặc nếu trăng tròn, sáng và có màu cam thì là dấu hiệu của một đất nước thịnh trị, người dân ấm no và hạnh phúc trong năm đó.
Cách chuẩn bị mâm cỗ Tết Trung Thu đúng chuẩn
Tết Trung thu không chỉ là dịp để mọi người quây quần bên nhau, diễn ra các hoạt động ăn uống, vui chơi mà còn là dịp để tưởng nhớ đến những người thân đã khuất cũng như thể hiện lòng kính yêu đối với bậc đấng sinh thành của mình. Do đó, Tết Trung không thể nào thiếu mâm cỗ Trung thu.
Ý nghĩa của Tết Trung thu qua mâm cỗ truyền thống
Tùy vào món vật được bày trên mâm cỗ và còn phụ thuộc vào phong tục của mỗi vùng, mỗi miền, mà mâm cỗ Tết Trung thu mang với ý nghĩa đặc trưng riêng nhưng vẫn thể hiện được sự thành kính và lòng hiếu thảo đối với tổ tiên cha ông.
Các loại trái cây được bày trên mâm cỗ đều là những hoa quả đặc trưng của mùa thu. Đồng thời, cách chọn hoa quả về hình dáng và màu sắc cũng như cách sắp xếp, trang trí cũng đều là cách thể hiện cho sự ấm no, hạnh phúc, ước mong của mỗi gia đình.
Dù gia đình có điều kiện hay không, thì vào ngày trăng rằm, trên bàn thờ tổ tiên cũng được bày biện các loại bánh trái đặc trưng cho mùa Trung Thu.
Mâm cỗ Tết Trung thu Việt Nam
Mâm cỗ Tết Trung thu Việt Nam nói riêng hay mâm cỗ Tết Trung của các quốc gia khu vực Đông Nam Á nói chung, cũng đều gồm có một số món vật cơ bản sau:
Bánh Trung thu
Bánh Trung thu là loại bánh không thể thiếu trên mâm cỗ. Hai loại bánh phổ biến hiện nay là bánh nướng và bánh dẻo, được tạo hình tròn hoặc hình vuông, ngoài ra còn có một số bánh được tạo hình cá chép, cá heo,… theo sở thích và ý nghĩa của mỗi người.
Họa tiết trên bề mặt bánh cũng mang nhiều ý nghĩa riêng, nhất là họa tiết bằng chữ mang nghĩa hạnh phúc, ấm no, nhưng phổ biến vẫn là họa tiết bằng hoa lá.
Lớp ngoài của bánh nướng có màu vàng nâu, rất thơm, còn với lớp bánh dẻo dường như có nhiều màu sắc hơn (hồng, xanh, trắng) vì được làm từ gạo nếp xay nhuyễn và có thể pha thêm chút màu cho bắt mắt. Dù là bánh nướng hay bánh dẻo thì phần nhân bên trong cũng rất đa dạng, như gà quay, đậu xanh, lá dứa, thập cẩm, khoai môn, vi cá,….
Mâm quả
Hầu hết, người ta sẽ chọn các loại trái cây đặc trưng của mùa thu để bày trên mâm cỗ, vì dễ tìm và có chất lượng ngon. Tuy nhiên, đối với một số gia đình, có người sẽ chọn trái cây theo hình dạng và màu sắc, rồi kết hợp chúng với nhau trên mâm cỗ với hàm ý riêng, như:
Bưởi: Tượng trưng cho sự may mắn, bình yêu cho gia chủ. Lớp vỏ xanh thể hiện sự tươi mát, thanh khiết, cùng với kiểu dáng căng tròn của trái bưởi mang đến sự ấm no, đầy đủ và sung túc.
Hồng giòn: Với hình dáng căng tròn và rắn chắc có ý nghĩa tương tự như bưởi, đồng thời lớp vỏ màu cam, màu đỏ làm tăng thêm phần sinh động cho mâm cỗ.
Chuối: Hình dáng của nải chuối trông giống như bàn tay người đang nhận lấy nhiều sự phước ban của thần linh cũng như dâng lên sự thành kích của gia chủ đối với tổ tiên.
Na: Đại diện cho sự sinh sôi, nảy nở nhờ các mắt na bên ngoài.
Thăng long: Hình dáng trái uốn lượn giống như rồng bay cùng với lớp vỏ màu đỏ tươi, đỏ hồng bên ngoài tượng trưng cho sự may mắn, phát lộc.
Dường như mỗi loại quả đều có hình dạng và màu sắc đặc trưng riêng, với sở thích và hàm ý của mỗi người mà kết hợp các loại quả khác nhau trên mâm cổ Trung Thu. Ngoài ra, nhờ đôi bàn tay khéo léo mà trái cây còn được tỉa đẹp mắt, góp phần làm cho mâm cỗ trở nên đặc sắc và trang trọng hơn.
Hương, đèn
Ngoài bánh và trái cây, thì mâm cỗ Trung thu vẫn không thể thiếu hương và đèn. Đây là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt, nhờ mùi hương mà chúng ta bồi hồi nhớ lại nhiều kỉ niệm cùng với việc châm đèn, hóa vàng làm cho mâm cỗ gia tiên trở nên sáng hơn, thể hiện sự thành kính, tôn trọng.
Lồng đèn truyền thống
Món đồ chơi được yêu thích của trẻ trong dịp Trung Thu đó chính là lồng đèn. Và đây cũng là món vật mà bạn có thể bày trên mâm cỗ, giúp tăng thêm không khí và nét đặc trưng cho đêm trăng rằm. Lồng đèn có nhiều hình dạng và chất liệu khác nhau, tùy theo mức độ sáng tạo của người làm.
Trên đây là ý nghĩa của tết trung thu dành cho bạn. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những kiến thức thú vị!