Sự tích chùa Tam Chúc như thế nào? Chùa Tam Chúc được xây dựng từ thời nhà Đinh, gắn với truyền thuyết “Tiền Lục nhạc – hậu Thất Tinh”. Theo đó, trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn núi gần làng Tam Chúc. Tích xưa kể lại cả 7 ngọn núi này đều xuất hiện một đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao, sáng suốt đêm ngày. Ánh sáng lung linh từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn. Dân làng gọi đó là núi “Thất Tinh” và ngôi chùa ở đây được gọi là chùa “Thất Tinh”.
Sau đó, có người đến núi Thất Tinh đục đẽo, hòng lấy đi 7 ngôi sao đặc biệt đó. Họ chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày khiến cho 4 ngôi sao bị mờ dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao. Vì thế, chùa “Thất Tinh” sau này được đổi thành chùa “Ba Sao” và thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) cũng được lấy tên gọi từ tích ấy. Cùng mình tìm hiểu kỹ hơn về sự tích chùa Tam Chúc qua bài nhé!
Có thể bạn quan tâm:
- Chùa Tam Chúc thờ ai? Những điều thú vị về ngôi chùa này
- Chùa Tam Chúc ở đâu? Tìm hiểu tin quan trọng về ngôi chùa
- Kiến trúc chùa Tam Chúc có gì độc đáo mà thu hút đến vậy?
Sự tích chùa Tam Chúc
Mảnh đất Tam Chúc linh thiêng, thần bí, nên hàng ngàn năm trước, ông cha đã chọn xây dựng những công trình tâm linh. Cách đây gần 20 năm, công nhân làm thủy lợi đã phát hiện dưới lòng hồ Tam Chúc rất nhiều cột gỗ, cột đá, xà đá, có những cột gỗ đường kính trên 1 m. Giữa hồ, vẫn còn ngôi đình Tam Chúc. Bước đầu, các nhà khảo cổ kết luận, chùa Tam Chúc đã có trên 1.000 năm.
Nhằm khôi phục ngôi chùa 1.000 năm tuổi và nhân lên giá trị vàng son non nước “sơn thủy hữu tình”, năm 2001, chùa Tam Chúc đã được đầu tư và phục dựng lại. Năm 2013, chùa Tam Chúc được công nhận là khu du lịch quốc gia. Đến nay, sau hàng chục năm xây dựng, chùa Tam Chúc với sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa nghìn năm tuổi với vẻ hùng vĩ của non nước bao la, nhiều báu vật độc nhất vô nhị đã và đang trở thành khu du lịch tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Năm 2019, khu du lịch tâm linh Tam Chúc đã vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc. Đại lễ đã thành công tốt đẹp, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về công tác tổ chức cũng như những giá trị về văn hóa tâm linh của ngôi chùa.
Quần thể chùa Tam Chúc có diện tích gần 5.100 ha, với gần 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên… cùng nhiều thung lũng, 3 mặt bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, trước là hồ Tam Chúc với 6 quả núi. Điểm nhấn nổi bật của khu du lịch tâm linh Tam Chúc là diện tích quy hoạch lên tới 147 ha trên sườn núi phía Tây, trong đó, mặt bằng xây dựng chùa Tam Chúc rộng 144 ha, gồm nhiều hạng mục ấn tượng: Tháp Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan âm, cổng Tam Quan, vườn cột kinh. Những ngôi điện đều được xây theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng Việt Nam với kết cấu cột, dầm, xà, mái cong bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ, có diện tích rất rộng, từ 3000-5.400 m2, cao từ trên 30-39m, các bức tượng được thờ ở đây đều bằng đồng nguyên khối nặng từ 85-150 tấn.
Điểm hấp dẫn tại khu tâm linh Chùa Tam Chúc chính là 12.000 bức tranh được làm bằng đá lấy từ núi lửa đã ngừng hoạt động ở Indonesia, do các nghệ nhân Indonesia chế tác và ghép trên toàn bộ bề mặt tường phía trong cả 3 ngôi đại điện. Mỗi bức tranh ở đây đều được chạm khắc tinh tế, ghép lại bởi nhiều tấm đá mang màu cháy của gạch nung già lửa, rất trầm mặc và cổ kính. Đá núi lửa có độ xốp, không quá nặng, thuận lợi khi chế tác các họa tiết, chi tiết phức tạp và tinh xảo, rất rắn chắc và bền mãi với thời gian. Đây chính là những tác phẩm nghệ thuật, tái hiện lại cuộc đời Đức Phật, gửi gắm những câu chuyện nhân văn và sâu sắc, chỉ có duy nhất tại chùa Tam Chúc.
Điện Tam Thế là tòa đại điện lớn nhất, có 3 tầng mái cong, được xây theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng của Việt Nam. Với chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m², diện tích tầng hầm 2.200m², điện Tam Thế có thể chứa được 5.000 phật tử cùng hành lễ một lúc. Trên các bức tường của điện Tam Thế là những bức phù điêu về cõi Niết Bàn – chốn bồng lai tiên cảnh, nơi ẩn chứa những vẻ đẹp chân, thiện, mỹ mà con người hằng mong ước
Ý nghĩa của sự tích chùa Tam Chúc
Điện Pháp Chủ có chiều cao 31m, diện tích sàn 3.000 m2. Nơi đây có pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn do nghệ nhân Việt Nam chế tác và 10.000 bức tranh tái hiện cuộc đời đức Phật do thợ Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa đưa sang. Điểm nhấn trong điện Pháp Chủ là 4 bức phù điêu khổng lồ bao trùm toàn bộ các bức tường, mỗi bức phù điêu nói về một giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ngài Đản sinh, thành Đạo, thuyết Pháp cho tới khi nhập Niết Bàn.
Điện Quan Âm cao 30,5m, mặt sàn rộng 3000m². Nơi đây chứa đựng một kho tàng phong phú với những tích chuyện cổ vô cùng sâu sắc về tấm lòng từ bi, nhân hậu của Đức Phật cứu độ chúng sinh, thể hiện qua các lần ứng thân của đức Phật khi Ngài đã trải qua vô số kiếp luân hồi. Khi thì Ngài hiện thân thành chú voi hy sinh thân mình nhảy xuống vách núi để làm thức ăn cho dân làng đói phía dưới; có khi hiện thân thành chú thỏ sẵn sàng nhảy vào lửa để cứu người Bà-la-môn khỏi chết đói trong rừng; khi là một vị vua từ bi sẵn sàng xẻ thịt cánh tay mình để cho quạ ăn thịt cứu bầy chim sẻ…
Bên cạnh những bức tranh kể các câu chuyện cổ còn có bức tranh kể về sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát rất gần gũi với người dân Việt Nam. Trung tâm của các bức tranh là tượng khắc nổi của Phật Quan Âm với hình ảnh quen thuộc trong các ngôi chùa nổi tiếng như Chùa Phật Tích, Chùa Hương: Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Quá Hải và Quan Âm Tống Tử. Đây là 4 bức tranh đặc biệt được tạo tác trên nền phong cảnh thiên nhiên đẹp như thơ của Tràng An và Tam Chúc
Ngoài 3 đại điện được xây dựng theo triền núi thoải dần xuống thì trên đỉnh núi Thất Tinh còn tọa lạc ngôi Tháp Ngọc. Ngôi tháp có chiều cao 15m được xây dựng hoàn toàn bằng các phiến đá đỏ Granit lấy từ Ấn Độ, lắp đặt theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam. Đặc biệt, khi ghép các phiến đá này, các nghệ nhân Ấn Độ không dùng bất cứ một loại vật liệu kết dính nào. Tháp có 3 tầng mái cong, diện tích 36m², trong tháp đặt pho tượng bằng đá ngọc nặng 4,9 tấn. Sắp tới, Tháp Ngọc dự định sẽ đặt 7 viên đá thiên thạch có nguồn gốc từ Mặt Trăng đã rơi xuống trái đất cách đây khoảng 1.000 năm trước, được các nhà khoa học tìm thấy tại Nam Phi. 7 viên đá này khi ghép lại sẽ thành một viên đá hoàn chỉnh. Đây sẽ là điều thú vị và độc đáo cho ngôi Tháp Ngọc. Để chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật này, du khách phải qua 299 bậc đá mới lên tới Tháp.
Cổng Tam Quan Nội trước bến thuyền Tam Chúc cũng được xây theo lối kiến trúc cổ truyền, có 3 tầng mái cong, cao 28,8m, rộng 3558m². Tại cổng Tam Quan, có điểm nhấn đặc biệt là chiếc vạc bằng đồng đen rất lớn được đúc phỏng theo vạc Phổ Minh – một trong An Nam tứ đại khí.
Bước qua cổng Tam Quan đồ sộ, sau chiếc vạc khổng lồ, sẽ là vườn cột kinh rộng lớn. Đây là ý tưởng lấy từ cột kinh Phật – Bảo vật quốc gia tại chùa Nhất Trụ – Ninh Bình. Các cột kinh đều được làm bằng đá xanh Thanh Hóa, cao 13,5m, rộng khoảng 2m, mỗi cột nặng khoảng 200 tấn. Đế cột là khối đá tròn được tạo hình cánh sen xung quanh, phía trên phần thân cột là một đấu cột hình lục giác, phía trên đầu cột là một bát đỡ một nụ sen. Những lời Phật dạy sẽ được khắc lên những cột kinh này để nhắc nhở thế hệ hiện tại cũng như mai sau tu nhân tích đức góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp và cuộc sống phồn vinh. Đây cũng chính là điểm nhấn rất riêng chỉ có ở chùa Tam Chúc.
Trung tâm Hội nghị quốc tế được xây dựng với mô hình giống chiếc thuyền nổi trên mặt hồ, cao 31 m, với sức chứa gần 3.500 khách. Đây cũng chính là nơi diễn ra các hoạt động chính của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019. Trong thời gian tới, Tam Chúc sẽ có khu trung tâm đón tiếp nghỉ dưỡng, khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên… cùng nhiều công trình khác.
Có thể bạn quan tâm:
- Chùa Một Cột Di Tích Lịch Sử Biểu Tượng Văn Hóa Dân Tộc
- Chùa Láng – Ngôi Chùa Mang Di Sản Văn Hóa Cổ Đại Của Hà Nội
Có thể nói, các công trình của chùa Tam Chúc là sự kết hợp hài hòa, linh diệu, đồng điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ nhân Việt Nam và nghệ nhân nước ngoài, giữa thợ thủ công lành nghề của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo. Với cảnh quan tự nhiên sơn thủy hữu tình có một không hai, quy mô rộng lớn hiếm có, vẻ đẹp nghệ thuật kiến trúc độc đáo cùng nhiều báu vật độc nhất vô nhị, nhiều nhà văn hóa đã dự báo chùa Tam Chúc sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới và trở thành di sản thế giới trong tương lai.
Trên đây là những thông tin về sự tích chùa Tam Chúc. Hy vọng sau bài viết thì bạn đã biết được những điều thú vị về sự tích chùa Tam Chúc.
Tổng hợp: dieuhaymoingay.net